Cao nguyên Mộc Châu không chỉ nổi tiếng với các điểm du lịch đẹp mà còn có nhiều đặc sản và những món ăn ngon. Chúng tôi xin giới thiệu với các bạn những món ăn hấp dẫn mà du khách có thể thưởng thức khi du lịch Mộc Châu
1. Đặc Sản Thịt Trâu Gác Bếp
Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản thường thấy trong bữa ăn của người Thái đen. Món thịt này thường được làm từ bắp của những chú trâu, bò nhà thả rông trên các vùng núi đồi Tây Bắc. Khi làm, người ta lóc các thớ thịt ra thành từng miếng kiểu con chì và thái dọc thớ, rồi hun bằng khói của than củi từ các núi đá.
Với miếng thịt trâu thành phẩm, mùi khói gần như vẫn còn nguyên, song lại không gây khó chịu. Các kỹ thuật chế biến đều là bí quyết gia truyền, song sản phẩm khá thuần nhất. Người làm dùng cách tẩm ướp thịt với các gia vị khác như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén - một loại hạt tiêu rừng của người dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc. Các gia vị này thậm chí còn thấy nguyên trên từng thanh thịt. Miếng thịt khô nhưng vẫn giữ nguyên mùi vị đặc trưng, nhất là độ ngọt của thớ thịt.
Khi ăn người ta xé nhỏ dọc theo thớ, có thể ăn ngay hoặc được coi là món nhậu chính uống cùng rượu ngô. Món này được chế biến hoàn toàn tự nhiên, không có chất bảo quản nhưng vẫn để dự trữ được khoảng 1 tháng.
2. Ốc Đá suối Bàng
Ốc đá ở Suối Bàng thường chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến cuối tháng 8, tức là vào mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt. Những tháng còn lại chúng vùi mình trong những lớp lá dày hoặc nằm im dưới đất.
Những con ốc đá ở đây có hình dáng khá giống ốc núi bà Đen ở Tây Ninh. Chúng không phát triển theo chiều dọc như ốc nhồi, ốc bươu vàng mà theo chiều ngang, mình dẹp, to trung bình bằng hai đốt ngón tay, miệng loe ra có màu trắng sữa.
Ốc bắt về, người ta không xào ốc vì khi xào ốc ra nhiều nhớt ăn không ngon, mọi người thường nấu canh, hoặc đơn giản nhất là luộc với xả, ớt chấm mắm ớt. Con ốc khều ra quệt qua tí nước chấm bỏ vào miệng thấy cay cay đầu lưỡi, ốc chạm vào răng lại thấy giòn giòn, vị ngọt mát lan dần xuống cuống họng. Cái ngon ngọt, mát giòn của ốc đá là thế, không tanh mà còn có vị hăng, thơm của lá rừng...
3. Cá suối Mộc Châu
Những chú cá suối Mộc Châu tròn lẳn, miệng cũng tròn vo. Có con bé xíu như ngón tay út, có con nhỉnh hơn hai ngón tay.
Ở các nhà hàng, ngon và đơn giản nhất là chiên vàng. Khi ấy, cả thịt và xương cá đều giòn tan. Sau lớp vảy vàng phồng lên vì mỡ nóng, thịt cá thơm ngọt. Nhai phần đầu cá tròn xoe sẽ thấy chút sạn sạn trong miệng, nhưng có hề gì bởi nó sẽ chìm ngay trong vị bùi béo không gợn chút tanh tao, đưa đẩy thêm hương vị của bát nước mắm nguyên chất thả vài lát ớt đỏ tươi.
Có một điều thú vị, là những bữa cơm ở Mộc Châu bao giờ cũng được dọn kèm một rổ rau sống xanh mơn mởn. Xà lách, bắp cải thái nhỏ, trộn với rau mùi và húng quế xanh mơn. Rau sống, ăn với bê chao cũng ngon, mà chấm nước mắm ăn kèm cá suối lại càng tuyệt vời.
THAM KHẢO TOUR DU LỊCH MỘC CHÂU VỚI UNIQUE TRAVEL TẠI ĐÂY!
4. Đặc sản bê chao Mộc Châu
Những chú bò non ở Mộc Châu khi mới sinh ra (gọi là bê) được xác định giới tính, nếu là bê cái sẽ giữ lại nuôi để lấy sữa, còn bê đực không cho sinh sản sẽ bị loại. Khi bê con bị loại, người dân ở cao nguyên Mộc Châu đã biến nó thành một món ăn giàu chất dinh dưỡng, ngon và hấp dẫn - món bê chao.
Cách chế biến món bê chao không cầu kỳ, từ nguyên liệu là thịt bê ( Tuy nhiên thịt bê chao ngon nhất phải làm từ thịt của những chú bê con chỉ vừa sinh ra được 7 ngày tuổi, chỉ bú sữa bò mẹ mà chưa ăn bất cứ loại cỏ nào trên thảo nguyên. Có như vậy, món bê chao mới thơm ngon tuyệt hảo với từng miếng thịt bê giòn bì, chắc thịt, nhưng không hề khô cứng mà trái lại, rất mềm và ngọt). Thịt bê được xắt thành từng miếng nhỏ, đem ướp sả, gừng, gia vị rồi chao qua dầu sôi. Vì thịt bê còn non nên món ăn mềm, mang vị ngọt, không ngấy, không béo.
Bê phải chao trên lửa to để thịt không ngấm mỡ. Lửa to thì dầu phải ngập miếng thịt để tránh “sống trong, chín ngoài”. Độ chín của gừng, sả ướp cùng thịt bê cũng là một yếu tố để đánh giá tay nghề đầu bếp. Bê chín, gừng, sả cũng vừa vàng ươm, thơm nức mà không khét, cháy. Một đĩa bê chao “đặc sản” như thế cũng chỉ có giá 150.000 đồng.
Bê chao phải ăn nóng mới thấy hết vị ngon của nó. Trút ra đĩa, mỡ vẫn còn riu riu sôi trên những miếng thịt. Chấm thịt ấy vào bát tương sánh vàng, điểm thêm chút gừng bằm nhỏ. Thịt vàng hườm, mềm và ngọt khó tả. Phần bì phồng lên lấm tấm trắng, khẽ cắn vào thì thấy giòn, nhưng nhai kỹ vẫn có một chút dai vương vấn.
5. Khoai sọ mán
Nhắc đến các đặc sản Mộc Châu, người gắn bó với mảnh đất này không ai không nhắc tới khoai sọ mán. Gọi là khoai sọ mán bởi nó được người Dao trồng, và cũng chỉ có mảnh đất có người Dao sống loại củ này mới ngon.
Khoai sọ mán có nguồn gốc, hình thù, màu sắc không giống các loại khoai khác. Theo nhiều người thì có mua khoai về trồng cũng không có củ, chỉ người Dao Mộc Châu trồng mới được, và cũng chỉ người Dao một số nơi như: Chiềng Sại, Chiềng Chung… trồng mới năng suất. Chả biết phải thế không mà đi nhiều nơi, nhìn thấy và ăn nhiều loại khoai sọ, chẳng đâu thấy khoai sọ mán giống ở Mộc Châu. Nó không tròn, nhỏ như khoai bon, không có màu tim tím tròn trĩnh như khoai môn. Khoai sọ mán liệt vào loại củ dị dạng được. Nó chẳng có hình thù nào mà gọi tên. Các mầm củ cứ đẻ ra lộn xộn thành những u, những mấu và to dần lên.
Dị hình, dị màu thế nhưng ai ăn một lần chắc chắn sẽ còn muốn có nhiều lần khác được thưởng thức nó. Sau khi gọt vỏ rửa sạch có thể thái miếng bằng bao diêm bỏ hấp trong nồi cơm vừa cạn nước. cơm chín khoai cũng chín, bỏ miếng khoai nóng hổi ra chấm lạc vừng, vừa ăn vừa xuýt xoa cảm nhận vị bùi bùi của miếng khoai vàng ruộm. Ai thích ăn chiên cũng có thể làm như chiên khoai tây cũng ngon. Nhưng hấp dẫn nhất vẫn xào qua khoai với mắm, muối, mì chính cho ngấm gia vị rồi cho vào hầm xương. Khoai chín rắc thêm chút rau thơm gồm: thì là, rau mùi tàu, hành vào và bỏ ra thưởng thức. Chỉ riêng màu vàng của bát khoai óng mỡ, lác đác mấy cọng rau xanh đã đủ để thực khách ngây ngất. Đưa miếng khoai vào miệng, thấy vị ngọt của nước hầm xương hòa lẫn cùng vị ngọt bùi của khoai. Giống khoai này có đặc điểm là cực kỳ bở, nếu chọn được củ khoai ngon (không già, không non quá) chẳng cần phải nhai, đưa vào miệng là đã tan hết rồi.
Khoai sọ mán khi nấu lên thì dẻo, thơm, chắc khoai chứ không bở bung như khoai môn. Củ khoai đó, được người Dao vùng cao nguyên Mộc Châu trồng từ lâu và được coi là một loại đặc sản rất lạ ở đây. Món khoai này thường được nấu với canh móng giò, xương sườn, nên rất hợp với dịp Tết. Thông thường khi gọt khoai, bạn nên gọt khô hoặc đi bao tay vào để tránh ngứa. Bổ củ khoai ra, bạn cũng nên rửa qua với nước muối loãng thì khoai bớt nhựa và khi nấu ăn sẽ không bị cảm giác bị ngứa trong cổ họng.
6. Cá Hồi Mộc Châu
Đến với Mộc Châu ,các bạn sẽ được thưởng thức rất nhiều món ăn ngon bổ dưỡng được chế biến từ cá hồi. Bên cạnh đó bạn còn có thể mua cá hồi tươi về làm quà và tham quan quá trình nuôi cá hồi tại nơi đây.
Sau khi đã tham quan khám phá, du khách nên đến với tiểu khu Vườn Đào, thị trấn Nông Trường, huyện Mộc Châu, Sơn La từ quốc lộ 6 rẽ vào khoảng 800m để thưởng thức món cá hồi. Cá hồi ở đây vừa tươi, ngon và rẻ nhất Việt Nam, anh Đoàn Văn Tú chủ quán cá hồi Mộc Châu chia sẻ.
Nằm trong tiểu khu Vườn Đào, quán cá hồi này được bày trí khá đơn giản, chưa được đặt tên, khác hẳn với việc ăn cá hồi ở thành phố thường gắn với những nhà hàng sang trọng. Du khách muốn thưởng thức các món chế biến từ cá hồi Mộc Châu, cứ hỏi người Mộc Châu quán Tú cá hồi ở khu Vườn Đào. Vì đây là quán cá hồi duy nhất không riêng gì ở Mộc Châu mà cả tỉnh Sơn La.
Với 200.000 đồng/suất ăn, du khách sẽ được thưởng thức 6 món được chế biến từ cá hồi: gỏi cá hồi ăn kèm với rau cải, gừng, tỏi, xoài, dứa, tía tô, lá chua, lá ổi; da cá hồi chiên; thịt cá hồi chiên (tẩm bột), cá hồi xông khói rất đặc trưng được kết hợp từ công nghệ cá hồi xông khói của Phần Lan; lẩu cá hồi và cháo cá hồi. Nếu du khách mua cá tươi mang về, giá khoảng 350.000 đồng/kg.
Một du khách đến từ Hà Nội sau khi thưởng thức cá hồi Mộc Châu chia sẻ: Cá hồi ở đây tươi, thịt dai và ngon, khác hẳn với cá hồi ướp lạnh mua ở các siêu thị Hà Nội. Ăn món gỏi cá hồi tươi rất ngon. Điều đặc biệt nữa là ăn cá hồi trong không khí mát mẻ của cao nguyên Mộc Châu, trên độ cao khoảng 1000m so với mặt biển thật ngon và khác biệt.
7. Sữa bò non Mộc Châu
Ai đã từng được uống sữa bò đẻ (sữa đầu) mới thực sự là hạnh phúc. Bởi không phải lúc nào cũng có bò đẻ. Nó là thứ sữa nhiều chất dinh dưỡng, béo, ngậy và rất thơm. Hẳn bạn đã biết tác dụng tốt của sữa tươi, nhất là sữa tươi nguyên chất, nhưng được tận hưởng cảm giác của một người nông dân: cho bò ăn, vắt sữa bò, đun sữa và thưởng thức một ly sữa nóng vừa vắt giữa núi đồi và thảo nguyên thì phải là người may mắn lắm mới có cơ hội.
Sữa tươi có thể uống bất kể lúc nào, nhưng để tận hưởng mùi thơm của nó thì tốt nhất nên uống vào buổi sáng. Khi tiết trời còn se se lạnh (Mộc Châu mùa nào cũng thế- buổi sáng se lạnh), vệ sinh cá nhân xong, cầm cốc sữa nóng trên tay, mùi thơm, ngậy của sữa lan dần qua vị giác lên não bạn đã thấy sảng khoái, ấm áp lên rồi.
Thêm một chiếc bánh mỳ nữa, thế là bạn có một bữa sáng lý tưởng, giàu chất dinh dưỡng. Uống sữa tươi trước khi đi ngủ bạn cũng sẽ thấy dễ chịu, giấc ngủ sâu hơn, khỏe hơn. Cũng vẫn là sữa tươi nhưng được uống sữa bò đẻ (sữa đầu) mới thực sự là hạnh phúc. Bởi không phải lúc nào cũng có bò đẻ, và khi bò đẻ thì sữa đầu cũng chì có trong vài ba ngày. Nó là thứ sữa nhiều chất dinh dưỡng, béo, ngậy và rất thơm.
Với lượng sữa vắt ngay sau khi bò đẻ, người ta không đun như bình thường mà đem hấp cách thủy, sữa sẽ đông chặt lại, xắt miếng ra, chấm muối ớt. Nếu ăn thử một lần, bạn sẽ thấy trên đời này chắc không có món gì làm từ sữa giản đơn mà ngon đến thế.
Sữa chua chắc chắn là món không thể không ăn khi đến Mộc Châu. Vị mát lạnh, chua chua, ngọt ngọt của nó đủ sức xua tan cái mệt mỏi của cả chặng đường dài. Nếu là người ưa chất béo bạn có thể tìm đến bơ hoặc váng sữa, rất ngậy và thơm, thú nhất là quệt ăn với bánh mỳ.
8. Cải mèo Mộc Châu
Cải mèo Mộc Châu chỉ có vào mùa đông và mùa xuân. Thứ cải này vốn được bà con ở đây trồng tự nhiên quanh các nương, rẫy để phục vụ nhu cầu của gia đình và thết đãi khách khứa. Giữa thu đến cuối thu, mang hạt giống ra rải quanh vườn, quanh rẫy mà chẳng cần rào giậu, luống bãi, cũng chẳng cần chăm bón, tưới tắm gì. Cứ thế, cây cải sẽ tự mình chắt chiu lấy nhựa sống, lấy dinh dưỡng từ những khe đất khe đá, từ cái sương lạnh của vùng núi Tây Bắc mà lớn lên.
Cải mèo luộc chấm nước mắm dầm trứng chế biến hết sức đơn giản. Mua cải về, tách từng bẹ rau ra rửa sạch rồi xắt ra thành từng khúc dài 4-5 cm, cho vào luộc với nước đã đun sôi già. Nêm thêm vài hạt muối trắng và lật trở đều tay cho rau xanh màu. Đập thêm vài lát gừng cho thơm rau. Rau vừa chín tới thì vớt ra, bày lên đĩa.
Luộc hai quả trứng gà rồi dầm với nước mắm hoặc nước tương (xì dầu). Và ăn nóng. Ăn tới đâu là biết liền tới đó. Cái vị đăng đắng, ngăm ngăm vừa phải của rau quyện với vị ngọt, vị thơm, vị mặn của xì dầu, rồi là cái béo của lòng đỏ trứng gà… Tất cả hòa thành một thứ hương vị rất mê hoặc, ăn một miếng rồi lại muốn ăn thêm, ăn một lần rồi lại muốn ăn thêm lần nữa…
Ăn cải mèo Mộc Châu ấn tượng nhất là cái vị đăng đắng ngăm ngăm của nó. Đăng đắng vừa phải, vừa đủ. Đăng đắng qua rất nhanh để rồi khi qua đi, lại cảm nhận rõ thêm cái ngọt ngào, tươi non, mềm mại của rau; ngọt ngào, đậm đà của nước chấm. Cái vị đăng đắng, ngăm ngăm ấy, đã ăn một lần thì chẳng dễ gì quên được. Mùa đông, ăn cải mèo Mộc Châu luộc chấm mắm dầm trứng, vừa ngon, vừa bổ mà lại mát lòng mát dạ.
Cải mèo Mộc Châu ngoài ăn luộc còn có thể dùng ăn lẩu, xào với thịt hun khói, thịt gà… món nào cũng đặc sắc và có hương vị riêng. Nhưng ăn luộc chấm mắm dầm trứng vừa bình dị mà lại giữ được nhiều hương vị của cây cải mèo Mộc Châu nhất.
9. Nộm da trâu
Những ai chưa từng ăn món này đều nhăn mặt, vì nghĩ mình đang gặm cái mặt trống. Da trâu rất khó lấy vì trâu bị lọc toàn bộ da, sau đó được chuyển ngay cho các mối làm trống. Ấy thế nhưng người Thái ở Sơn La đã biến da trâu trở thành đặc sản không thể thiếu trên mâm cơm những dịp đặc biệt. Những người phụ nữ Thái đảm đang đã không ngại khó khăn để làm mềm hóa sự dai và cứng của da trâu bằng cách hơ qua lửa rồi ngâm với nước lã. Sau khi đủ độ, với con dao thật sắc, họ dùng hết sức để thái mỏng miếng da dầy đó.
Thật lạ, miếng da trâu đen xì, dầy bịch ban đầu, qua vài công đoạn tưởng như giản đơn đó lại biến thành món cực hấp dẫn từ ánh nhìn. Khi thái mỏng tang, miếng da trâu giờ có màu vàng của quả chanh Tây, bên trong là màu vàng nhạt, trong trong, cắn thử lại sần sật, giòn giòn, là lạ.
Cũng như nhiều món nộm khác của người Thái, nộm da trâu cần gia giảm thêm nhiều gia vị và rau thơm như lạc, mùi ta, mùi tàu, chút hạt mắc khén đặc trưng.
Đặc biệt, cái làm nên thứ quyến rũ của nộm da trâu chính là vị chua của nước măng chua, chứ không phải của chanh hay giấm. Đó là vị chua thơm, thanh thanh. Nước măng chua muốn ngon phải ngâm bằng thứ măng củ tươi, nước suối và thêm những gia vị cần thiết. Măng cũng phải có thời gian để "ngấu" tiết ra thứ nước chua thanh mát mới đúng điệu để trộn món nộm này.
Nộm da trâu được xếp gọn trên mẹt hình thuyền, cong cong, sơn màu cánh gián nhạt, lại có hai tay cầm. Gắp một miếng, nhớ dùng đũa khéo léo gắp cả da trâu, thịt trâu, lạc, mùi ta, mùi tàu, nhúng sâu hơn nước nộm, hít hà… Chà, da trâu giòn giòn đanh đanh, hơi giống vó bò nhưng giòn hơn, thớ thịt lại khác. Tợp một chén rượu, nhắp thêm miếng nữa, lần này ta ăn tinh tế hơn, nên vị chua của măng mới hé mặt.
Rồi cảm giác ngòn ngọt của thịt trâu (đã được nện kỹ cho thật mềm), vị bùi của lạc rang, thơm của mùi ta… tất cả cùng hòa quyện tạo thành thứ men ngây ngất trong khoang miệng.
Mời quý khách nhập thông tin nội dung bình luận